Giải pháp chống gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Tạp chí Hải quan trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Hoàn về các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh chống thất thu thuế, gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới.

 

Giải pháp chống gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Hoàn.

Xin ông cho biết những giải pháp ngành Hải quan đã và sẽ tiếp tục thực hiện để chống thất thu thuế, gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới?

- Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gian lận, trốn thuế giả mạo xuất xứ, nhưng không làm gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành Hải quan sẽ tập trung vào các nội dung như:

Tiếp tục thực hiện phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ đề xuất giao các đơn vị nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, các cục hải quan địa phương áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Tăng cường công tác thu thập, phân tích rủi ro, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao để tiến hành kiểm tra sau thông quan, tập trung vào kiểm tra chống gian lận xuất xứ.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp theo các nhiệm vụ được phân công; tích cực xúc tiến đàm phán với Hoa Kỳ về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến lĩnh vực đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để thực hiện có hiệu quả Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước mắt cần làm rõ các nội dung công việc hai bên thực hiện trao đổi, phối hợp; các thông tin Hải quan Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ cung cấp, điều tra, xác minh làm rõ và ngược lại.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội ngành hàng xác định đối tượng doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp.

Giải pháp quan trọng nữa là hoàn thiện quy định pháp luật.

Một trong những vướng mắc hiện nay của cơ quan Hải quan là quy định về xử lý đối với tội danh trốn thuế, ông có thể chia sẻ rõ hơn về khó khăn này?

- Hiện nay, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) chỉ quy định cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh: “Tội buôn lậu” (Điều 188), “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” (Điều 189), và “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190).

Tuy nhiên, đối với tội danh trốn thuế khi phát hiện, bắt giữ, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Do vậy, cần bổ sung, mở rộng thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong khởi tố, điều tra đối với tội danh trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Theo hướng dẫn tại Công văn số 196/TATC-PC ngày 3/10/2023 của Tòa án nhân dân Tối cao: “Khách thể của tội “trốn thuế” là xâm phạm đến chế độ quản lý thuế của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là ngân sách nhà nước bị thiệt hại do không thu được thuế, còn khách thể của tội “buôn lậu” là xâm phạm trật tự quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý...

Mặc dù, trong trường hợp này, khi nhập khẩu hàng hóa thủ tục kê khai hải quan là đúng quy định của pháp luật, nhưng sau khi nhập khẩu, hàng hóa vẫn đang chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật Hải quan năm 2014, cơ quan Thuế chưa quản lý.

Việc đối tượng (bị cáo) không tiến hành sản xuất để xuất khẩu theo quy định mà tự ý chuyển tiêu thụ nội địa, không thực hiện các thủ tục khai báo hải quan là vi phạm trình tự, thủ tục hải quan được quy định tại khoản 5 Điều 25 văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan số 24/VBHN-BTC ngày 11/7/2018 và quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 21 văn bản hợp nhất Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu số 25/VBHN-BTC ngày 6/9/2018 của Bộ Tài chính.

Như vậy, hành vi của bị cáo phạm tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).”

Tuy nhiên, nếu căn cứ điểm i khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự thì hành vi “sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế” sẽ bị truy cứu về tội trốn thuế. Tại điều khoản này không có quy định loại trừ “nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này” như các điểm e, g, h khoản 1 Điều này.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, cơ quan Hải quan là cơ quan quản lý thuế. Tại Điều 188 Bộ luật Hình sự không liệt kê các hành vi cụ thể xác định là hành vi buôn lậu mà quy định theo hướng bao quát “buôn bán trái pháp luật” và đối chiếu khung hình phạt thì tội buôn lậu có khung hình phạt cao hơn tội trốn thuế. Tuy nhiên, Điều 200 Bộ luật Hình sự lại quy định rõ hành vi trốn thuế, tội này có khung hình phạt nhẹ hơn.

Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì tội nào có hành vi quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn và có khung hình phạt nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho người phạm tội. Do vậy, trường hợp đối tượng sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan phải xác định là tội trốn thuế.

Để tránh trường hợp cách hiểu, cách xác định khác nhau về việc định tội danh, tránh trùng lắp về hành vi khách quan đối với tội trốn thuế thì cần sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự thành “sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này”.

Xin cảm ơn ông!

Theo haiquanonline

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: